Cách Xây Tường Gạch Không Nung 4 Lỗ Đúng Tiêu Chuẩn
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách xây tường gạch không nung 4 lỗ theo đúng tiêu chuẩn của chuyên gia, bao gồm các bước chuẩn bị, thực hiện và bảo dưỡng.
Hiện nay, xu thế xây tường sử dụng gạch không nung đang rất được ưa chuộng trong xây dựng. Thế nhưng, các đơn vị thi công vẫn áp dụng cách xây truyền thống như gạch nung nên gây ra hiện tượng nứt tường trong quá trình sử dụng. Chính vì vậy, việc hiểu rõ cách xây tường gạch không nung 4 lỗ đúng tiêu chuẩn là vấn đề cấp thiết để đảm bảo tính chắc chắn, thẩm mỹ và tuổi thọ của công trình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cách xây tường gạch không nung 4 lỗ theo đúng tiêu chuẩn của chuyên gia, bao gồm các bước chuẩn bị, thực hiện và bảo dưỡng.
- Chuẩn Bị:
Trước khi bắt tay vào tiến hành xây tường gạch không nung 4 lỗ, bạn cần phải có công tác chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Đầu tiên, bạn cần tính toán lượng nguyên vật liệu, thường thì 1m2 xây tường sẽ sử dụng 70 viên gạch, bạn chỉ cần lấy chiều dài nhân với chiều rộng của công trình để biết được diện tích, sau đó lấy diện tích đó nhân với 70 thì sẽ ra được chính xác số lượng gạch không nung 4 lỗ cần dùng. Ngoài ra, phải nhớ cộng thêm dung sai từ 1-3% cho việc hao mòn trong quá trình xây dựng. Đừng quên tính toán lượng xi măng và vôi dựa trên tỷ lệ với cát thật chính xác.
Tiếp theo, hãy chuẩn bị nền đất và móng tường. Đối với các công trình lớn, bạn có thể sử dụng máy đầm nền để đẩy nhanh tiến độ công trình hơn, không mất quá nhiều chi phí nhân công. Sử dụng dây mực để đánh dấu các điểm mốc ở hai đầu tường, sau đó đặt các viên gạch khô đầu tiên theo dấu đường và vạch mực đã đánh dấu. Dùng thước để chia đều khoảng cách giữa hai viên gạch. Bằng cách này, bạn có thể tính toán số lượng gạch nguyên và số lượng gạch cần cắt (thường là ½) cho chiều dài của tường một cách chính xác. Việc này giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình thi công, khi xây gạch thì chỉ cần tập trung vào công tác xây mà không cần phải cắt gạch nữa.
Hình ảnh Gạch Không Nung 4 Lỗ
- Tiến hành xây tường:
Bước 1: Định vị tường
Để bắt đầu xây tường, hãy sử dụng mực màu để đánh dấu các vị trí cần xây. Trước khi tiến hành xây, hãy xây mẫu 1 hàng gạch đầu tiên để định vị chính xác. Việc định vị tường chuẩn xác sẽ giúp đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền của công trình mà các bác thợ thường bỏ qua nên trong quá trình thi công cần chú ý kĩ công đoạn này.
Bước 2: Khoan cấy râu trong trụ
Khoảng cách giữa các râu không nên vượt quá 50cm và chiều dài của râu nên ít nhất là 50-60cm. Đây là số liệu khuyến cáo từ các kỹ sư xây dựng.
Sử dụng thép râu thường là loại F6 hoặc F8 để đảm bảo rằng tường sẽ liên kết vững chắc với các trụ và không bị tách lớp sau khi sử dụng.
Bước 3: Căng dây làn và dây lèo để đảm bảo tường xây thẳng
Bắt đầu xây dựng từ hai đầu của tường trước. Sử dụng dây làn và dây lèo để đảm bảo rằng tường được xây thẳng, đồng đều theo cả chiều ngang, chiều dọc và chiều đứng.
Bước 4: Quy cách xây tường gạch không nung 4 lỗ
Khi xây tường 2 lớp, sau khi đặt 5 hàng gạch, cần xoay trục gạch thẻ để tái tạo mạch vữa và đảm bảo khối gạch chắc chắn.
Đối với tường 1 lớp, khi xây không quá 1,5m, cần thiết lập một lớp giằng tường dày 8-10cm để giữ cho tường không quá cao và vững chắc hơn (lớp giằng tường nên được đổ tại chỗ và gia cường bằng thép D8);
Khi xây tường góc, việc chú ý tới việc câu gạch là rất quan trọng để tránh tường bị nứt ở các điểm này.
Bước 5: Mạch vữa tường xây
Khi xây tường, các viên gạch nên được đặt theo vị trí so le (chữ công), đây là cách xây phổ biến nhất, với viên gạch trên nằm ở giữa hoặc ít nhất là 1/3 chiều dài của viên gạch dưới để đảm bảo rằng các mạch không chồng lên nhau.
Các mạch vữa xây tường cần được xây kín, đều đặn và có độ dày từ 10-15mm để đảm bảo sự vững chắc của tường.
Bước 6: Giải pháp giúp xây tường gạch đúng kỹ thuật ở vị trí lỗ cửa
Khi đối diện với vị trí tường kết thúc tại lỗ cửa, việc thi công cần được lên kế hoạch một cách hợp lý để đảm bảo độ chịu lực của tường gạch cũng như thuận tiện cho việc lắp đặt cửa sau này. Vị trí này thường dễ bị nứt nhất, nếu áp dụng như xây tường gạch nung thì công trình có thể bị nứt bất cứ lúc nào. Có thể áp dụng các giải pháp như sau:
Thay gạch không nung 4 lỗ thành gạch thẻ ở cạnh cửa để tăng sự chắc chắn. Hoặc bạn có thể sử dụng gạch đặc 8x8x18 cho các vị trí quan trọng như vách tường cầu thang, vách thang máy, tường bao tiếp xúc nắng mưa, các khu vực thường xuyên ẩm ướt như tường nhà vệ sinh,… Vì ở những vị trí này, gạch không nung 4 lỗ với kết cấu rỗng thì không thể đáp ứng được đủ độ cứng mà chỉ có gạch thẻ hoặc gạch đặc mới có thể đáp ứng được. Gạch đặc có kết cấu cứng, giúp giảm hiện tượng nứt, có độ Mac luôn vượt chuẩn, độ kết dính tốt hơn, tuy nhiên nhược điểm của loại gạch này là có trọng lượng nặng hơn gạch không nung 4 lỗ.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện việc đổ bê tông toàn bộ khối lớn ở vị trí cạnh cửa để tăng cường cấu trúc chịu lực của tường gạch. Các bác thợ truyền thống thường không chú ý đến chi tiết này nên dẫn đến các công trình gạch không nung thường bị nứt ở vị trí cửa. Nếu áp dụng đúng giải pháp này, đảm bảo công trình của bạn sẽ luôn chắc chắn và không bị nứt.
Bước 7: Xem xét lại các vị trí lanh tô cửa
Lanh tô cửa có thể được chuẩn bị sẵn hoặc đổ tại chỗ. Có một số yêu cầu quan trọng cho lanh tô mà bạn cần chú ý như sau:
Đảm bảo kích thước và các tiêu chuẩn kỹ thuật bao gồm việc sử dụng vật liệu như thép, mác bê tông, phù hợp với đặc điểm công trình. Lanh tô cần phải được thiết kế với chiều dài tối thiểu từ 20-60cm để đảm bảo vượt qua vị trí ô cửa một cách ổn định và chắc chắn.
- Vệ Sinh Và Bảo Dưỡng Tường Gạch
Khi hoàn thành việc xây dựng mảng tường, việc vệ sinh khu vực xây tường bằng chổi hoặc phây là không thể thiếu. Hành động này không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn mà còn loại trừ các vữa thừa bám trên gạch. Mặc dù chỉ là công việc phụ, nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng, tác động đến chất lượng của lớp tô tường trong tương lai, đảm bảo sự thẩm mỹ của công trình.
Ngoài công tác vệ sinh thì sau khi hoàn thành việc xây tường, việc bảo dưỡng là cực kỳ quan trọng. Tường cần được tưới ẩm liên tục ít nhất trong 3 ngày. Hành động này đảm bảo rằng tường gạch hấp thụ đủ nước, cần thiết để quá trình thuỷ hoá xi măng diễn ra đầy đủ.
► Kết Luận:
Trên đây là các giải pháp để quý khách hàng có thể xây được tường bằng gạch không nung 4 lỗ đúng tiêu chuẩn. Việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quá trình thi công sẽ giúp cho công trình hoàn thành được an toàn, hiệu quả và mang lại giá trị cao.
Các Công Trình Nổi Bật Của Thái Châu
Công Trình Vỉa Hè Đỗ Xuân Hợp
Công Trình Cảng Cát Lái
Công Trình Nhiệt Điện Vân Phong Khánh Hòa